TẤM GƯƠNG CÔ NHÂN VIÊN Y TẾ CÓ TẤM LÒNG NHÂN ÁI, YÊU NGHỀ
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì …em biết không?
Để gió cuốn đi…!”
Những ca từ của cố nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn ngắn gọn mà lắng nhiều dư âm. Có lẽ “tấm lòng” mà nhạc sỹ muốn nói tới ở đây chính là lòng yêu thương, đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ người khác với tất cả sự chân thành. Khi nghe câu hát ấy vang lên trong đầu tôi hiện lên hình ảnh về một đồng chí đồng nghiệp - một người chị, một tấm gương sáng về nhân viên làm công tác Y tế tại trường Tiểu học Đặng Xá. Tấm gương hết lòng, tận tụy với công việc, với học sinh, vượt lên trên hết cả là đại diện cho tấm lòng nhân ái, bao dung giữa con người với con người. Người tôi muốn nhắc đến trong bài viết này chính là cô Đặng Thị Thúy Hằng.
Cô Thúy Hằng sinh năm 1982, quê ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, trước đó đồng chí công tác Trung tâm giáo dục thường xuyên tại Đặng Xá.
Nhắc đến cô Hằng, mọi người thường nghĩ ngay đến một cô táo y tế luôn nở nụ cười trên môi mỗi khi giao tiếp với mọi người. Trong công việc hàng ngày của cô là chăm sóc sức khoẻ cho tập thể CB-GV-NV và Học sinh của nhà trường.
Có bao giờ bạn tự hỏi cuộc sống con người sẽ như thế nào khi không có tình yêu thương? Nhà văn Nga M. Go-rơ-ki đã từng nói: “Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương”. Thiếu vắng tình yêu thương chúng ta biết tựa vào ai những khi vấp ngã, con người không quan tâm, sẻ chia, đồng cảm với nhau trái đất sẽ không còn tiếng cười, không còn ấm áp.
Công việc tưởng chừng đơn giản là thế nhưng thực tế làm việc, tiếp xúc hàng ngày với các bạn nhỏ còn nhiều nhút nhát, rụt rè, đôi khi không biết miêu tả con đau ở đâu, chỉ biết con mệt, con ốm mới hiểu được nỗi vất vả, khéo léo của cô. Các con học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 còn hiếu động, nhiều khi chỉ là những vết xước rất nhỏ bé cũng khóc nấc ôm tay lên phòng Y tế. Cô Hằng tâm sự hồi mới chuyển công tác về trường tiểu họccô thường xuyên phì cười vì có những vết thương phải nhìn thật kĩ vẫn không thấy vết xước khi mà các con bảo “cô ơi con bị chảy máu”. Tuy vậy cũng không ít lần xót xa, đau lòng khi các con đau bụng, đau đầu mà ôm bụng xuống phòng y tế. Có những lúc tôi thấy cô vừa xoa bụng giúp Học sinh vừa trò chuyện giảm sự chú ý, giúp con giảm cơn đau. Trong 2 năm dịch bệnh Covid 19 hoành hoành cô luôn là chiến sĩ tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch. Nghiêm túc nhận sự phân công của Trung tâm y tế huyện Gia Lâm và UBND huyện Gia Lâm, cô Hằng tham gia trực chốt Hà Nội – Bắc Ninh (hướng Thuận Thành). Không kể ngày đêm, mưa nắng, sự nguy hiểm của dịch bệnh cô luôn nghiêm túc trực chốt, nhiệt tình hướng dẫn người dân các công tác phòng chống dịch Covid 19.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, lối sống trong sáng, có đạo đức tốt nên cô Hằng luôn được cấp trên và đồng nghiệp tin tưởng đánh giá cao. Nhưng trên tất cả câu chuyện ấm tình người tôi muốn chia sẻ về cô Hằng đó chính là một việc làm tốt, mang tính nhân văn cao cả. Cô Đặng Thị Thúy Hằng đã hoàn thành tốt công việc được giao không chỉ là trách nhiệm của một nhân viên Y tế mà đó là tình yêu nghề, yêu trẻ!
Trong suy nghĩ và đánh giá của mỗi đồng nghiệp tại trường Tiểu học Đặng Xá, cô Đặng Thị Thúy Hằng thực sự xứng đáng là một tấm gương tỏa sáng trong môi trường giáo dục với trái tim giàu lòng nhân ái của người thầy thuốc luôn sẵn sàng hy sinh và cống hiến hết mình./.